Hiểu và sử dụng như thế nào cho đúng đối với các chất trung, vi lượng để đạt hiệu quả cao nhất cho cây trồng?

Ngoài 03 nguyên tố đa lượng chính là Đạm – Lân – Kali thì cây trồng còn cần bổ sung đầy đủ các chất trung, vi lượng để cây phát triển khoẻ mạnh tạo sức đề kháng chống chịu các điều kiện bất lợi của môi trường, tăng khả năng tự vệ với các loại nấm bệnh, côn trùng gây hại.

 

1. Vậy trung lượng bao gồm các nguyên tố nào?

Có 04  nguyên tố:  Lưu huỳnh (S), Canxi (Ca), Magiê (Mg), Silic (Si) thuộc nhóm dưỡng chất trung lượng mà cây trồng cần cho quá trình sinh trưởng phát triển. Tuỳ theo giống cây trồng mà nhu cầu sử dụng các nguyên tố trung lượng cũng khác nhau; thông thường các nhóm cây lấy củ, quả, hạt cần nhóm trung lượng nhiều hơn với nhóm cây ăn lá.

*Lưu huỳnh (S):

– S tham gia cấu tạo nên một số axit amin và protein quan trọng trong tế bào.

– S thành phần Coenzym A, chất xúc tác các quá trình trao đổi chất như quá trình quang hợp, hô hấp.

– S chứa trong thành phần diệp lục, thúc đẩy quá trình quang hợp của cây

– S còn quyết định tạo các chất sinh dầu và mùi vị, từ đó tăng mùi vị các cây gia vị, cây ăn quả, cây lấy tinh dầu.

– S tăng khả năng chống rét, chịu hạn, hạn chế mất nước. Ngoài ra, S còn giúp quá trình chín của quả và hạt diễn ra nhanh hơn.

 *Canxi (Ca): Canxi có vai trò quan trọng trong việc hình thành tế bào, mô của cây đặc biệt là trung hoà độ chua của đất, khử độc cho cây khi cây bị ngộ độc hữu cơ, vô cơ do bón quá liều lượng, cùng với Lân quyết định đến năng suất của cây trồng nhất là nhóm cây họ đậu.

Do hàng năm cây lấy đi một lượng rất lớn nên chúng ta cần phải bổ sung các nguyên tố này cho đất thông qua việc bón phân gốc hoặc phun xịt qua lá.

Hiện nay đa phần các loại phân trung lượng được các công ty sản xuất phân bón tính toán theo nhu cầu cây trồng và phối trộn chung với các loại phân bón đa lượng nên chúng ta tương đối dễ dàng sử dụng bón cho cây.

*Magie (Mg):

Magie là một trong những chất dinh dưỡng thiết yếu cho thực vật, là thành phần quan trọng của chlorophyll (diệp lục tố) và đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất,  quang hợp và tổng hợp gluxit, protein, lipit trong cây, giúp bộ lá của cây xanh dày, tăng cường quang hợp, sinh trưởng mạnh và cây trồng sẽ không thể tạo ra được chất diệp lục trong tế bào của chúng nếu không có Magie.

– Mg đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất enzym phosphoryl, tổng hợp glycine. Enzym sẽ không thể tạo ra được nếu thiếu dù chỉ là một lượng nhỏ Magie.

Ngoài ra, Mg còn hoạt động giống như một chất xúc tác trong các phản ứng oxy hóa khử bên trong các mô thực vật. Nó hỗ trợ hoạt động của Sắt (Fe) và giúp cây trồng chống lại tác động có hại của việc thiếu oxi trong điều kiện đất bị bó chặt, thông khí kém, giúp tăng khả năng chống lại khô hạn và nấm bệnh của thực vật.

*Silic (Si):

– Silic giúp cho lá mọc vươn thẳng, tạo điều kiện cho cây hấp thu ánh sáng tốt hơn, tăng khả năng quang hợp và tăng hiệu lực của phân nitơ.

– Tác dụng tương hỗ giữa silic với photpho giúp cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, cây tăng trưởng nhanh làm pha loãng nồng độ sắt, nhôm trong cây do đó làm tăng khả năng chống chịu phèn cho cây.

– Làm tăng khả năng oxy hóa của rễ lúa làm giảm tác hại do hút quá nhiều sắt và Mangan.

– Cần cho sự tạo thành diệp lục, cần thiết cho quang hợp.

– Làm cho cây cứng hơn, chống được đổ ngã do mưa gió và sâu bệnh.

 

2. Vi lượng bao gồm các nguyên tố nào là cần thiết cho cây trồng?

Có 07 nguyên tố vi lượng cần thiết cho cây bao gồm: Mangan (Mn), Đồng (Cu), Boron (Bo), Kẽm (Zn), Sắt (Fe), Molypden (Mo), Clo (Cl). Đây là các nguyên tố vi lượng không thể thiếu trong quá trình phát triển của cây trồng mặc dù nhu cầu sử dụng của cây cần một lượng rất ít. Trong nhóm 07 nguyên tố này có 04 nguyên tố bắt buộc không thể thiếu vì đa phần các loại đất chứa hàm lượng rất ít các nguyên tố này: Mangan (Mn), Boron (Br), Kẽm (Zn), Molypden (Mo); các nguyên tố còn lại tồn tại trong đất khá cao được keo đất giữ lại cây có thể sử dụng hoặc có trong phân bón và các sản phẩm thuốc trừ nấm bệnh.

* Các nguyên tố vi lượng này góp phần rất lớn trong việc tổng hợp các enzym, axit amin giúp cây phát triển ổn định, tăng năng suất và chất lượng nông sản tuy nhiên do cây không thể tự tổng hợp được nếu thiếu một trong các nguyên tố vi lượng này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng của cây nên chúng ta phải thường xuyên bổ sung cho cây kịp thời thông qua biện pháp phun xịt trực tiếp qua lá.

 

3. Sử dụng phân bón trung, vi lượng như thế nào cho hiệu quả cao nhất?

*Đối với phân trung lượng: Hiện nay các sản phẩm phân bón có chứa thành phần trung lượng thường được phối trộn và sử dụng chung với phân đa lượng nên rất thuận tiện. Căn cứ vào nhu cầu của từng loại cây trồng có thể bón riêng theo giai đoạn của cây: trước ra hoa, bón khi cây tạo hạt hay bón theo triệu chứng thiếu hụt khi cây có biểu hiện.

* Đối với phân vi lượng:  Do cây không thể tự tổng hợp được và cần một lượng rất nhỏ nếu sử dụng quá liều sẽ gây ngộ độc và làm thay đổi sinh lý thực vật, làm cây mất cân bằng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản. Phần lớn được sử dụng dưới dạng bón lá vì cây trồng có thể hấp thu nhanh; Chúng ta có thể chia phân vi lượng thành 2 giai đoạn sử dụng chính như sau:

– Đối với cây ngắn ngày _ cây lương thực: sử dụng vào 02 giai đoạn: cây con và trước giai đoạn ra hoa

– Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả: chia làm 04 giai đoạn sử dụng chính:

+ Giai đoạn sau khi thu hoạch: Lúc này cây trồng trải qua thời kỳ nuôi trái cây bị suy kiệt, nếu không kịp thời bổ sung dinh dưỡng thì rất dễ dẫn đến tình trạng mất mùa ở vụ trái tiếp theo. Giai đoạn này cần kết hợp phân bón đa –  trung lượng bón gốc và phun phân bón lá vi lượng để cây nhanh phục hồi.

+ Giai đoạn trước ra hoa: Giai đoạn này cần bổ sung hàm lượng Lân, Kali cao kết hợp Can xi và Bo phun trên tán lá.

+ Giai đoạn nuôi trái: Cây cần chế độ phân bón cân đối + đầy đủ các thành phần đa và trung lượng.

+ Giai đoạn trước thu hoạch: cần bổ sung hàm lượng Kali cao đặc biệt đối với cây ăn trái thì nên sử dụng Kalisulphat _ K2SO4 có chứa gốc lưu huỳnh sẽ làm tăng chất lượng nông sản.

 

Một số lưu ý:

– Giai đoạn phục hồi cây sau thu hoạch và trước ra hoa nên sử dụng các sản phẩm phân bón lá có chứa đầy đủ các thành phần trung vi lượng, các acid amin, amino axit để hỗ trợ cây phục hồi nhanh hơn.

– Giai đoạn sau trổ bông  không nên sử dụng các sản phẩm phân bón lá trung, vi lượng có chứa các chất kích thích sinh trưởng (GA3, NAA, Auxin…) vì dễ gây rụng trái.

– Phải tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng theo khuyến cáo vì dễ gây hiện tượng quá liều làm mất cân bằng sinh lý của cây muốn khôi phục cần rất nhiều thời gian và chi phí.

Trên đây là một số thông tin cần thiết khi sử dụng các loại phân bón trung vi lượng, tuỳ theo đối tượng cây trồng, mùa vụ, giai đoạn sinh trưởng của cây để có thể điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng của cây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *